Promotion Girl (PG) có nhiệm vụ quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Muốn làm được nghề này, ứng viên phải có ngoại hình ưa nhìn, cao trên 1m60, gương mặt khả ái và khả năng diễn đạt tốt.
Hương Ly - sinh viên năm thứ 3 Đại học Khoa học Tự Nhiên, làm PG đã được hơn một năm - tâm sự: "Em thích công việc này vì không gò bó thời gian, lại không ảnh hưởng đến việc học. Đi làm trong năm còn bị hạn chế chứ bây giờ nghỉ hè, em đi show nhiều hơn".
Những cô PG xinh đẹp và duyên dáng bên các sản phẩm của DN
Nghề PG ngày càng được nhiều bạn trẻ đón nhận, bởi họ tìm ở đó sự năng động, nhạy bén và thời gian làm việc linh hoạt. PG làm việc theo 2 dạng cố định và lưu động. PG cố định là những người đứng tại quầy để giới thiệu sản phẩm cho khách. PG lưu động có thể nhận show theo ca, làm việc tại các lễ khai trương, khánh thành hoặc phát tờ rơi trên đường phố...
Công ty truyền thông, quảng cáo là đơn vị trực tiếp nhận PG và môi giới cho các hãng. Chị Minh Anh - đại diện một Công ty chuyên tổ chức sự kiện - cho biết mỗi đợt quảng cáo tuyển PG, hàng trăm sinh viên tới nộp hồ sơ đăng ký tham gia.
Nhưng không phải ai cũng có thể theo nghề này. Nhân viên PG phải là người có ngoại hình ưa nhìn, cao trên 1m60, gương mặt khả ái và khả năng diễn đạt tốt. Ly nói: "Ban đầu em nghe bạn rủ rồi đi làm chung, dần dà, khi tạo được mối quan hệ lại hợp tác với nhiều công ty khác". Làm quảng cáo, Ly có thể kiếm được khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi ngày, một tháng nhận nhiều show, tiền có thể lên đến 2-3 triệu đồng. Cô đã trích hẳn một khoản riêng để đóng tiền học nên không phải phụ thuộc vào gia đình.
Hạnh Trang từng làm nhiều show quảng cáo "nhạy cảm" vẫn chưa thể quên lần làm PG cho một công ty kinh doanh loa, dàn âm thanh. "Nhân dịp quảng cáo bộ loa mới, em và một bạn nữa phải mặc váy siêu ngắn, cầm quả bông cổ vũ và đứng trên bục nhún nhảy theo điệu nhạc. Trước bao con mắt tò mò, bọn em ngại lắm, nhưng nghĩ được trả 300.000 đồng cho 2 giờ làm việc nên phải cố", Trang kể lại.
Nhiều bạn khác khi phát tờ rơi trên phố không may gặp người bất lịch sự, vứt ngay tờ rơi trước mặt cũng đành phải chịu.
Cùng với nghề PG, phục vụ nhà hàng, bán hàng trên mạng, làm IT bán thời gian... cũng là những công việc được giới sinh viên chọn để làm thêm trong mùa hè này. Minh Trà – sinh viên Cao đẳng Du lịch lại làm tiếp tân ở nhà hàng Sen Hà Thành (Bùi Thị Xuân, Hà Nội), chuyên kinh doanh đồ ăn Buffett Âu Á. Mỗi sáng, cô đến quán từ 8h, chuẩn bị bày bàn ăn cho bữa trưa, phục vụ khách từ 11h đến 2h chiều. 5h chiều là lúc cô tan ca về nhà. Khá vất vả, song Trà xác định mình học chuyên ngành quản lý nhà hàng, đang được nghỉ đi thực tập nên dành phần lớn thời gian để làm việc, vừa kiếm thêm thu nhập lại có nhiều cơ hội học hỏi
Những bạn trẻ thích kinh doanh lại chọn cách bán hàng qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Ngọc Loan là một chủ hàng có tiếng trên các website ttvnol, muare.vn, daugia.net… Là sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng Loan có “máu” kinh doanh từ vài năm trước. “Em có nhiều bạn ở Trung Quốc nên thỉnh thoảng lại làm một chuyến lên Lạng Sơn lấy hàng, khách của em có phong cách ăn mặc trẻ trung nên hàng về đợt nào hết đợt đấy. Mấy tháng rồi bận thi tốt nghiệp nên không đánh hàng về thường xuyên, giờ nghỉ hè rồi em quyết tâm làm ăn tử tế hơn”, cô tiết lộ
Sinh viên nam học IT lại hứng thú với công việc lập trình tại các công ty phần mềm. Thành Nam – sinh viên Đại học Bách Khoa vừa xin được một việc làm part time về lập trình, lương tháng gần 2 triệu đồng - nói: “Hè được nghỉ hơn 1 tháng nên em muốn ở thành phố để đi làm thêm. Hơn nữa, giờ giá cả leo thang phải kiếm thêm thu nhập để đỡ gánh nặng tài chính cho bố mẹ”. Trung bình một ngày Nam dành khoảng 30.000 đồng cho tiền ăn, chi phí thuê nhà, điện nước cũng vừa đủ lương tháng kiếm được.
Hồng Nhung -Vnexpress.net